Cô giáo của em
Tóc dài óng ả
Vóc người nho nhã
Hiền như mẹ hiền
Cô giáo của em
Sáng nay đến trường
Ngọn cỏ ngậm sương
Mặt trời trở giấc...

Có thể nói “Nghề giáo viên giống như người truyền lửa, muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy cũng phải có lửa”. Và tôi đã thấy ngọn lửa yêu đời, yêu người, yêu nghề trong ánh mắt, nụ cười, trong công việc và cuộc sống hàng ngày của cô, người đồng nghiệp mà tôi rất mực yêu quí, cô giáo Phạm Thị Huyền- giáo viên giảng dạy môn Sinh tại trường THPT Trần Phú.

 

Cô Phạm Thị Huyền cùng các cô trong tổ chuyên môn Sinh học (thứ 3 từ trái sang)

Là người con sinh ra trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Nghệ An, cô Phạm Thị Huyền đã ôm ấp ước mơ được trở thành cô giáo để đưa những chuyến đò cập bến tri thức. Cô đã thực hiện được ước mơ của mình khi tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt chuyên ngành Sinh học và công tác trong ngành giáo dục Lâm Đồng từ tháng 8/2000. Cô có 11 năm công tác và gắn bó với trường THPT Cát Tiên. Ở ngôi trường đã nâng đỡ cô những năm tháng mới vào nghề, cô Phạm Thị Huyền đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Bốn năm liền, cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô tham gia bồi dưỡng học sinh giải toán trên máy tính đạt giải ba cấp quốc gia năm 2007-2008.

Vì lý do gia đình, cô Phạm Thị Huyền đã được thuyên chuyển công tác về trường THPT Trần Phú vào tháng 8 năm 2011. Cô nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới, được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh tin yêu. Cô cũng đã đóng góp không nhỏ vào những thành tích của nhà trường những năm qua. Năm 2015-2016 đạt giải khuyến khích cấp bộ về dạy học tích hợp. Năm 2016-2017 được sở giáo dục tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy nhân dịp 15 năm thành lập trường. Hai năm 2019, 2020 được xếp loại đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sơ. Hai năm 2018-2019, 2019-2020 đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Vào tháng 3/2021 cô tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và đã được công nhận đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh.

Là một giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, cô Phạm Thị Huyền luôn băn khoăn, trăn trở làm cách nào để áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào giảng dạy, giúp học sinh tăng hứng thú và kết quả học tập. Và cô nhận thấy, giáo dục STEM là phương pháp tiếp cận liên ngành tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học nhằm mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế thật sự có ý nghĩa. Việc dạy và học STEM tăng tính hấp dẫn với học sinh, giúp học sinh hiểu sâu hơn vấn đề, đạt hiệu quả học tập cao hơn. Một trong những hình thức học STEM mới đang được áp dụng hiện nay là việc học tập dựa trên cách thực hiện các bài thực hành. Theo đó, học sinh được tham gia bài học và bài thuyết trình có chất lượng cao theo từng chủ đề cụ thể. Môn Sinh học là môn học gồm những kiến thức ứng dụng thực tiễn, vì vậy phương pháp giáo dục STEM đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Cô nhận thấy áp dụng STEM trong giảng dạy sinh học chính là giải pháp tối ưu để trẻ tiếp xúc với môn học một cách tự nhiên nhất. Áp dụng STEM vào môn sinh học là một phương pháp giảng dạy hiệu quả và thực tiễn giúp học sinh hứng thú với môn học và ghi nhớ tốt hơn. Bên cạnh đó, mỗi tiết học học sinh không chỉ được tiếp thi các kiến thức về môn sinh mà còn được tích hợp kiến thức hóa học, toán học hay kỹ thuật trồng cây, kỹ thuật làm vườn… cùng nhau và học thông qua trải nghiệm thực tế. Đó cũng chính là đề tài mà cô đã thuyết trình trong kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh năm học 2020 – 2021 và nhận được nhiều lời khen ngợi.

Hình ảnh trong 1 tiết dạy STEM

Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô xác định: việc lựa chọn được đội tuyển là sự thành công bước đầu, quyết định đến hiệu quả trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên chọn lựa những học sinh có năng lực, say mê, yêu thích bộ môn, giáo viên chỉ là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức và giúp các em ổn định tâm lý. Thời gian đầu, nhiều học sinh còn khá bỡ ngỡ với việc ôn luyện học sinh giỏi, e dè khi cọ xát trong các kỳ thi, song với sự gần gũi, dìu dắt, các em đã trưởng thành rất nhanh và đạt được nhiều kết quả mong đợi.

Cùng với việc dạy chữ, cô rất quan tâm tới việc dạy người. Với sự tín nhiệm cao, cô Phạm Thị Huyền nhiều năm liền được ban giám hiệu giao cho nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 12, lớp cuối cấp. Trách nhiệm rất nặng nề! Nhưng kết quả mà cô đạt được khiến nhiều người nể phục. Các lớp mà cô Huyền chủ nhiệm luôn nằm trong top đầu về thi đua của trường. Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp, cô nói: kỹ năng tạo dựng mối quan hệ với học sinh là quan trọng nhất với một giáo viên chủ nhiệm. Tạo dựng mối quan hệ với học sinh là trở thành người bạn với học sinh, gần gũi, chia sẽ những vấn đề liên quan đến việc học và cả trong cuộc sống hàng ngày. Người giáo viên cần phải hiểu rõ từng học sinh trong lớp, cần là chỗ dựa cho học sinh. Người giáo viên cần sự nghiêm khắc, tuy nhiên không để học sinh sợ hãi tránh xa. Muốn làm được điều này, giáo viên cần biết lắng nghe. Cần phải lắng nghe ý kiến, đề nghị của các em để giải thích hoặc có biện pháp phù hợp chứ không thể làm tất cả theo ý của mình. Bằng kinh nghiệm, tâm lý, sự quan tâm, thấu hiểu, cô được rất nhiều học sinh và phụ huynh tin yêu.

Cô giáo và các học sinh giờ lên lớp

Ai đó đã từng nói: “Một người giáo viên như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi lại nghĩ đến cô giáo Phạm Thị Huyền. Đối với tôi và rất nhiều đồng nghiệp khác, cô Huyền luôn là một tấm gương sáng của sự nhiệt huyết, tận tâm, của tình yêu nghề luôn sáng mãi. Từ tấm gương sáng của cô Phạm Thị Huyền, chúng tôi tự hứa với lòng sẽ luôn cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện, để cống hiến nhiều hơn cho mái trường THPT Trần Phú thân thương này!