BÀI DỰ THI

GIỚI THIỆU SÁCH CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/ 11

                                                      Tác giả: Huỳnh Nguyễn Bảo Trâm - Lớp 10a3 (17-18)

Có một nhà triết gia đã nói: “Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời”. Có lẽ vậy, hiện nay với sự phát triển thịnh vượng, nhanh chóng của các phương tiện truyền thông và dịch vụ đã giúp cho các nước phương xa như được thâu ngắn lại và con người có cơ hội gần gũi và giao dịch với nhau nhiều hơn trước. Càng gần nhau hơn, càng thêm hiểu biết nhau, con người càng cần tới những phép tắc lịch sự để mọi người đều sống thoải mái, thân thiện và quí mến nhau hơn. Như Ralph Waldo Emerson  đã nói: “cách sử xự chính là chìa khóa khiến cho mọi việc êm trôi”. Trong không khí hưởng ứng Cuộc thi bài viết giới thiệu về sách chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường THPT Trần Phú- TP. Đà lạt. Em xin giới thiệu cuốn sách “Học ăn- Học nói - Học gói - Học mở” do một nhóm nhà văn, nhà giáo Pháp viết và được tác giả Hoàng Liên biên soạn lại, do Nhà xuất bản trẻ xuất bản năm 2005. Cuốn sách  đã góp nhặt nhiều kinh nghiệm sống bổ ích, nhiều mẫu chuyện ngộ nghĩnh lý thú, và là lời khuyên hữu ích đối với thanh thiếu niên sắp bước vào đời. Nó là cuốn sách quý, được cô giáo chủ nhiệm  mượn từ thư viện của nhà trường, được xếp trang trọng trong tủ sách của lớp 10a3. Cuốn sách đã hướng dẫn các quy tắc về giao tiếp trên các nguyên tắc luân lý được thừa nhận của cộng đồng. Cuốn sách gồm 4 phần chính: Biết sống- Biết nói – Biết viết – Biết đọc được phân bố đều trong 155 trang giấy.

Phần thứ nhất - Biết sống. Trong phần Biết sống, được tác giả chia làm nhiều chương rất cụ thể như: Phép lịch sự; Những đức tính biểu hiện của phép lịch sự; Phép lịch sự trong đời sống riêng tư; Thái độ cử chỉ tư cách; Phép lịch sự nơi bàn ăn; Thú tiêu khiển của tuổi thanh xuân; Chiêu đãi và quà tặng…Như vậy, “Biết sống” là một thuật ngữ rộng, ta có thể hiểu nôm na là: Biết sống có nghĩa là luôn luôn quan sát những khuôn phép và tập tục của một xã hội tốt đẹp để có thể thích nghi vào đó một cách thoải mái. Biết sống là biết hòa nhập với mọi người, tạo ra đời sống xã hội, đó là nhân cách của người giáo dục kỹ. Để vận dụng suôn sẻ các nguyên tắc “ biết sống”, đòi hỏi mọi người phải hết khéo léo. Hướng tới phép lịch sự người ta không thể có thái độ nịnh bợ. khoa trương mà phải gắn mình vào lối sống nhân cách. Không có phép lịch sự trong tâm hồn thì cái gọi là lịch sự trong cử chỉ sẽ không bền vững.

     Ở trong phần này em ấn tượng nhất những dòng viết về phép lịch sự. Phép lịch sự có thể được hiểu “đó là cách ứng xử tế nhị để tỏ lòng mến mộ và nhân hậu của mình” hoặc đó là “nghệ thuật tự quên mình đi để nghĩ tới người khác”. Francois de Sale gọi phép lịch sự là “Bông hoa của sự dịu hiền” đem lại niềm thoải mái trong giao tiếp xã hội.  Phép lịch sự cần cho mọi người, ở mọi lúc, ở mọi nơi. Nói chuyện với một em bé cũng cần phải tỏ vẻ trân trọng chẳng khác gì đối với một quan tòa; với trí thức cũng như với viện sĩ hàn lâm; với phụ nữ cũng giống như đối với người cựu chiến binh, nếu không sẽ làm cho người ta phiền lòng vì bị tổn thương. Từ việc nhỏ nhặt như chọn một mẫu giấy viết thư cho bè bạn đến những hoạt động có tầm vóc lớn lao trong lĩnh vực văn hóa, ngoại giao,… đều cần phải có phép lịch sự. Con người thường thể hiện rõ bản chất thông qua cách xử sự với cuộc sống và những người xung quanh. Những người khôn ngoan luôn đối xử với người khác thẳng thắn, cởi mở và khéo léo. Họ hiểu rằng, chính sách xử sự này đã giúp họ sống một cuộc đời thanh thản và hạnh phúc. Khi xử sự đúng mực và lịch sự, chúng ta  sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người khác, từ đó các mối quan hệ của chúng ta  sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Trong kho tang tục ngữ ca dao Việt nam, ông cha ta cũng để lại rất nhiều câu tục ngữ khuyên răn về cách ứng xử như:

             Lời nói chẳng mất tiền mua

       Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Hay: 

          Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

       Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

Như vậy, người lịch sự luôn tỏ ra khoan dung, tránh gây phiền toái và tìm cách làm vừa lòng mọi người, đứng đắn không kiêu ngạo, kín đáo mà không thâm hiểm, nên mọi cử chỉ nên hòa nhã, mọi lời nói dều minh bạc, rõ ràng. Người bất lịch sự thường đánh mất lòng nhân ái, tính công bằng nên dễ sa vào những lợi lộc tầm thường: “ Họ không sòng phẳng ngay cả với người từng yêu thương họ”.

         Những đức tính biểu hiện cho phép lịch sự là sự kính trọng, sự khéo léo tế nhị, sự phân minh, sự ân cần, niềm nở, tính xác thực đúng đắn, lòng biết ơn, sự thận trọng và dè dặt, sự kiên nhẫn,và sự kiêm tốn. Royer Olard nói với học trò của ông tại Viện đại học rằng: “Người ta than phiền về sự kính trọng đã lụi tàn. Không có gì làm cho tôi phiền lòng và buồn hơn, bởi vì tôi không yêu quý cái gì hơn sự tôn kính”. Quả thật, đây là một lời khuyên tâm đắc giúp mọi người luôn có thái độ tôn trọng, và biết thay đổi cách nhìn tùy theo giá trị của mỗi người. Ở các trường học cũng vậy, họ luôn đề cao nhân cách tôn trọng, và luôn dạy dỗ những học sinh về nhân cách, về phép lịch sự ngay từ khi cấp mẫu giáo, “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cha mẹ thường chiếm một vị trí rất quan trọng trong trái tim đứa trẻ. Họ phải thương yêu, coi trọng chúng. Đứa con hiếu thảo bao giờ cũng tràn ngập kính yêu cha mẹ mình. Nó trân trọng nghe lời khuyên nhủ của cha mẹ và thường quanh quẩn bên họ. Những đứa trẻ khác thường thiếu lòng kính trọng và hay bội bạc. Chìm đắm trong sự mê muội của cá nhân, nó thường trả lời cha mẹ bằng thái độ hỗn láo, khinh bạc, không trân trọng. Đó là những thái độ không có phép lịch sự đối với người đã nuôi dưỡng  mình. Phận làm con phải luôn luôn gìn giữ tấm lòng kính trọng đối với bậc sinh thành. Tất cả mọi người, kể cả những kẻ có tuổi, có chức quyền, hay những thanh thiếu niên, trẻ em phải biết  tôn trọng người khác. Phép lịch sự đòi hỏi nhiều tế nhị. Sự tế nhị xét về khía cạnh đạo đức giúp ta tiên đoán được cái gì làm người khác đau đớn và đối với ai, cần sự giúp đỡ cần thiết của mình. Nó chỉ dẫn ra, đầy đủ hơn sách vở, cái gì người ta nên nói, cái gì thì phải lặng thinh, cái gì nên làm cái gì phải tránh. Sự phân minh vốn là tư chất, không lệ thuộc vào dòng dõi, vị trí xã hội hay số phận mà nó là phần thưởng của tuổi trẻ có đức hạnh. Phép lịch sự còn được thể hiện qua sự ân cần niềm nở, nó làm lòng tình cảm của người khác. Đức tính này xuất phát từ lòng quan tâm tới người khác. Một đứa trẻ có tâm hồn cao thượng, không bao giờ làm mất lòng người khác, kể cả khi nói nó chịu mất thú vui của mình. Cho nên, người ta nói rằng “sự ân cần niềm nở là chị em của tính nhân ái”. Biểu hiện tiếp theo đó là lòng biết ơn. Nó là một nghĩa vụ thiêng liêng “đó là sự trả nợ thâm tình”. Món nợ trước hết phải trả đó là công ơn cha mẹ- những người đã cho ta cuộc sống, sự chăm sóc giáo dục. Ta phải biết rằng: “ Không có gì cao đẹp hơn lòng biết ơn”. Những trái tim đức hạnh thường thường chứa những tình cảm sâu sắc: “Một lời cảm ơn chân thực, một từ ngữ yêu thương, một bông hoa dâng tặng, một sự chăm sóc ân cần”. Tất cả những cái đó là cơ hội để chứng tỏ lòng biết ơn. Còn tính thận trọng giúp ta cân nhắc các hành động lời nói sao cho phù hợp. Sự kiên nhẫn giúp ta đứng vững chắc trước những lỗi lầm, những lời chê trách, những cái không kịp thời và lời phê phán không làm ta thất vọng. Đức tính sự khiêm tốn không chỉ là đức hạnh mà còn là sức mạnh giúp ta lôi cuốn được bạn bè, tìm được sự thành công cho bản thân.

  Phép lịch sự trong đời sống riêng tư được thể hiện qua cách sống, cách sinh hoạt, cách đối nhân xử thế. Nó thường được biểu hiện qua sự gọn gàng ngăn nắp của bản thân, vào trang phục hằng ngày, tính trật tự trong sinh hoạt cộng đồng, và đặc biệt sự nề nếp của mỗi cá nhân trong sinh hoạt tập thể, Nhờ đó mọi người càng hiểu hơn về phép lịch sự của bản thân mình. Những nơi cộng đồng thường có người tụ hội, sự cao cả ở đây đòi hỏi ta phải có lòng thành kính. Những người có tính khiêm tốn, luôn luôn chú ý đến mọi hoạt động của mình trong hoạt động tập thể.

     Nói tóm lại, chúng ta phải có phép lịch sự, kính trọng và trân trọng người khác. Là một học sinh, chúng ta phải biết kính trọng người lớn tuổi, lễ phép với thầy cô giáo, cha mẹ, và luôn yêu thương trân trọng khi sống trong một tập thể, luôn giúp đỡ người khác khi có khả năng.

Ba phần sau, gắn bó với phần đầu, bởi vì  cách nói hay là sự chín chắn phải thể hiện đầy đủ trong dáng bộ, lời nói cũng như chữ viết, đó là nhờ làm việc có phương pháp và tận tâm mà người ta học được cách viết, cách nói thêm vẻ lịch sự. Đó là biết nói- biết viết- biết học. Để hòa nhập vào xã hội, người ta cần giao tiếp. Nhờ trò chuyện, người ta thu nhập được một tầm kiến thức rộng lớn và khả năng hiểu biết đồi dào của nhiều người, khiến mình khôn ngoan hơn. Cuốn sách đã tóm tắt những vấn đề cần lưu ý khi giao tiếp là: nên nói ít, nghe nhiều, nói bằng giọng từ tốn, trôi chảy, tự nhiên, không nhấn giọng, tránh những chuyện nhạt nhẽo, thô tục, thiếu sự tế nhị, luôn tôn trọng, luôn luôn tỏ ra nhân hậu mà không xu nịnh. Nhiều người trông thực đáng mến lại rơi vào tình trạng cô độc chỉ vì không trình bày được tư tưởng của mình, trong khi kẻ hùng biện hay người nói chuyện khôn ngoan lại lôi cuốn đông đảo công chúng về phía họ.

  Viết hay là tài năng rất hiếm, đòi hỏi ngòi bút phải tập tành, người viết phải yêu nghề, trí tuệ phải được nâng cao và trên hết là phải có sự hiểu biết rộng lớn về văn học- đó là nền tảng của trình độ văn hóa. “Văn học là kho tàng chung, là hương thơm của tuổi trẻ, là thanh gươm của một thời hoạt động” – Lacordaire. Để viết tốt không chỉ cần có một đầu óc tỉnh táo mà còn phải có một tâm hồn rộng mở, phải có tấm lòng, phải có một con người hoàn hảo …Lao động trí óc làm cho con người trở nên cao thượng. Biết bao nhiêu khát vọng bị đánh lừa, bao nhiêu sự nghiệp đánh bỏ dở chỉ vì không chú trọng học hành và nghiên cứu.

    “Người ngủ là người chết và kẻ hoạt động thì sống mãi

      Khốn khổ cho ai còn mê ngủ khi trời đã vào xuân

      Khốn khổ cho ai hai mươi tuổi

      Vẫn ham ngủ vô chừng”

                                               (P.Delaporte)

    Cuốn sách còn đề cập đến tầm quan trọng về hoạt động lao động trí óc. Như thế, để thấy, mỗi người Thầy và hoc trò hôm nay đang lao động trí tuệ. Nghiên cứu, học tập là một hình thức đã trở thành quy luật tự nhiên của sự làm việc. Ai tôn trọng qui luật này thì thấy sự làm việc là một nguồn vui. Ngược lại, thì phí bỏ cả tuổi thanh xuân và chính là nguyên nhân gây ra sự thoái hóa, thất nghiệp và đi xuống của đất nước. Tạo ra cái nền vững chắc cho sự nâng cao trí tuệ, công việc lao động trí tuệ không chỉ làm đòn bẫy cho đức hạnh mà còn nảy nở những tính cách quý phái, nhân rộng niềm vui trong sáng cho con người.

    Để phát triển trí tuệ cho tuổi thanh niên thì việc nghiên cứu, học hỏi không chỉ là một phương tiện. Thế nhưng, sách vở luôn là phương tiện để cho các thanh thiếu niên tham khảo và học hỏi. Những cuốn sách tốt sẽ tạo ra những người tốt biết yêu thương. Đó là những người bạn tốt rèn luyện thêm hoàn hảo. Sách giúp ta giải đáp những thắc mắc, những tham vọng, hướng dẫn cho ta để thực hiện đam mê, nó giúp ta dịu lòng hao hức: “Sức mạnh của cuốn sách hay có hiệu lực tuyệt vời: nó soi sáng, nó an ủi không chỉ cho một người và cả loài người, không chỉ hôm nay mà cả thế hệ mai sau”. Bất cứ thời nào, việc học tập đều đòi hỏi phải có sự nổ lực. Đọc những trang sách lúc rãnh rỗi, các bạn trẻ sẽ hiểu thêm giá trị thực câu nói của Fenelon: “Chính đức hạnh mới làm nên cái lịch sự cao quí.”

                                                                  

 Bất cứ ở thời nào, việc học tập đều đòi hỏi phải có sự nỗ lực. Cuốn sách “Học ăn, học nói, học gói, học mở” đúc kết những kinh nghiệm sống phong phú giúp cho mọi người hiểu hơn về đạo lí của xã hội. Qua đó, mọi người rèn luyện thêm để trở thành một con người hoàn thiện, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, dù sách có hay đến mấy mà chúng không được đọc thì cũng như ngọc bị che đi ánh sáng, vẻ đẹp. Nhà triết học Gustavơ Lebon đã nói: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay”. Hay trong ngạn ngữ Trung Quốc nói: “Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng, những người làm điều thiện, tuy không mong báo đáp nhưng tự trong lòng khoan khoái”. Thật may mắn và tự hào khi em là học sinh của trường THPT Trần Phú, mỗi ngày đến trường với em là một ngày thật mới, thật ý nghĩa. Ở đây, em được học vô vàn kiến thức tự nhiên, kiến thức xã hội, được thầy cô truyền cho em cảm xúc để cảm nhận cuộc sống, được đọc nhiều cuốn sách hay và được cả chỉ bảo về cách đọc sách. Những điều trong cuốn sách “Học ăn- Học nói- Học gói- Học mở” đều được mỗi thầy cô của nhà trường chỉ bảo hàng ngày, đó là những điều thật đơn giản không xa vời đã giúp em cũng như bao bạn học sinh khác biết nói, biết cười và cả biết khóc trong cuộc sống này.